Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) thông báo sẽ hỗ trợ tài chính cho những người gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản đưa ra hình thức hỗ trợ này theo luật tiêm chủng mới sửa đổi.
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhân viên y tế tại tỉnh Chiba, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong cuộc họp ngày 19/8, một nhóm chuyên gia của MHLW đã rà soát đơn xin hỗ trợ tài chính của 41 người cho rằng họ đã gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19. Sau khi xem xét giấy chứng nhận y tế, các triệu chứng và những thông tin liên quan, nhóm chuyên gia đã nhất trí hỗ trợ cho 29 trường hợp, trong đó có 23 người bị sốc mẫn cảm hoặc các triệu chứng tương tự và 6 người khác có các triệu chứng dị ứng cấp tính. Họ thừa nhận rằng không thể bác bỏ mối liên quan giữa tình hình sức khỏe hiện nay của các nguyên đơn với việc tiêm vaccine. Các đối tượng này sẽ nhận hỗ trợ tài chính thông qua chính quyền địa phương. MHLW không tiết lộ loại vaccine mà những người này đã được tiêm. Trong các ngày tới, nhóm chuyên gia dự kiến sẽ tiếp tục xem xét các đơn còn lại.
Luật tiêm chủng mới yêu cầu Chính phủ Nhật Bản phải chi trả chi phí y tế và trợ cấp tới 37.000 yen (khoảng 340 USD)/tháng cho những người bị tàn tật và gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng sau khi tiêm. Tuy nhiên, chỉ những người có kết luận của các chuyên gia y tế rằng vấn đề sức khỏe mà họ gặp phải có thể xuất phát từ việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 mới được nhận các khoản hỗ trợ của chính phủ.
Trong khi đó, dịch COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp ở Nhật Bản. Ngày 19/8, nước này ghi nhận thêm 25.156 ca nhiễm mới. Đây là lần đầu tiên số ca mắc mới ở Nhật Bản vượt ngưỡng 25.000 ca/ngày và là ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới lập kỷ lục mới. Đáng chú ý, có tới 22 trong số 47 tỉnh, thành ở Nhật Bản ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục. Số bệnh nhân COVID-19 nguy kịch tiếp tục tăng cao kỷ lục ngày thứ 7 liên tiếp lên 1.765 ca
Ngày 20/8, lệnh tình trạng khẩn cấp bắt đầu có hiệu lực ở 7 tỉnh gồm Ibaraki, Tochigi, Gunma, Shizuoka, Kyoto, Hyogo và Fukuoka, nâng tổng số tỉnh, thành nằm trong phạm vi áp dụng này lên 13, trong đó có thủ đô Tokyo. Cùng ngày, chính quyền 10 tỉnh khác, gồm Miyagi, Toyama, Yamanashi, Gifu, Mie, Okayama, Hiroshima, Kagawa, Ehime và Kagoshima, cũng bắt đầu triển khai các biện pháp phòng dịch trọng điểm. Các biện pháp này sẽ có hiệu lực tới ngày 12/9.
Đào Thanh Tùng (TTXVN)