Sự việc một nữ du học sinh người Việt Nam tại Nhật Bản bị bắt vì mang 360 quả trứng vịt lộn và 10kg nem chua hiện đang gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước. Từng là cựu du học sinh trường Đại học Quốc tế Nhật Bản và đã có hơn 4 năm sống và làm việc tại Nhật, chị Nguyễn Ngọc Diệp đã có những ý kiến và chia sẻ về sự việc này.
DHS Việt Nam bị bắt vì đem Nem Chua Trứng Vịt Lộn vào Nhật Bản
—-
Số lượng du học sinh và người đi làm trượt visa Nhật tăng chóng mặt
Trong khoảng thời gian làm việc trước đây tại Nhật, vì tính chất công việc, tôi có quen với khá nhiều nhân viên và quản lý bộ phận tuyển sinh một số trường tiếng và trường cao đẳng có uy tín ở khu vực Tokyo.
Nhiều bạn trẻ Việt Nam sau khi học xong bằng thứ nhất vì yêu thích nước Nhật và cũng muốn thử thách bản thân nhưng chưa thể kiếm được việc ngay muốn ở lại Nhật bằng cách tiếp tục theo đuổi bằng thứ 2. Cá nhân tôi có giới thiệu (hoàn toàn miễn phí) cho không ít người vào học trường tiếng hoặc trường cao đẳng.
Thế nhưng có trường hợp mà tôi từng gặp lần đầu tiên và cũng là lần đầu tiên hồ sơ tôi gửi vào bị từ chối mà tôi nhớ mãi đến tận bây giờ, đó là một bạn sinh viên tốt nghiệp một trường đại học tư danh tiếng ở Nhật, chưa kiếm được việc làm nhưng muốn tiếp tục theo học chuyên ngành phiên dịch tại một trường cao đẳng.
Hồ sơ của bạn này rất đẹp vì điểm GPA đạt 3,8/4, hồ sơ hoàn toàn sạch sẽ với các kỳ đều nhận học bổng, không đi làm thêm quá giờ, không phạm pháp – tuy nhiên hồ sơ của bạn ấy bị từ chối thẳng thừng trong khi nhiều hồ sơ khác với thành tích học tập kém hơn nhiều lại được nhận vào.
Các trường đại học ở Nhật Bản có khả năng từ chối hồ sơ xin nhập học của bất kỳ ứng viên nào mà không cần phải giải thích lý do – Ảnh minh họa
Theo luật, trường hoàn toàn có khả năng từ chối hồ sơ xin nhập học của bất kỳ ứng viên nào mà không cần phải giải thích lý do. Thế nhưng bởi nhân viên trường là bạn khá thân với tôi ngoài đời nên tôi cũng cố hẹn được một buổi gặp riêng để hỏi lý do tại sao bạn kia bị đánh trượt hồ sơ. Nhân viên trường cho biết không chê hồ sơ bạn ấy một câu nào, trừ một lý do bạn ấy có hộ khẩu tại một huyện phía Bắc thuộc “danh sách đen” của người Nhật vì có quá nhiều người bỏ trốn trong quá trình học tập/làm việc.
Tôi há hốc mồm thanh minh rằng nhưng rõ ràng bạn gái kia đã có lịch sử 2 năm học thạc sỹ ở Nhật hoàn toàn tốt, điểm cao, không làm quá giờ thì tại sao không thể có ngoại lệ. Nhân viên trường trả lời rằng: “Tao không cần biết hồ sơ của bạn mày đẹp đến thế nào, nhưng nguyên tắc không có ngoại lệ“.
Sau khi tìm hiểu với đại diện tuyển sinh của một số trường tiếng và trường cao đẳng có xếp hạng tốt, tỷ lệ đỗ visa của sinh viên nước ngoài cao khác, tôi cũng nhận được câu trả lời tương tự về việc họ có một “danh sách đen” của khoảng hơn 10 tỉnh thành Việt Nam bị hạn chế tối đa nhập cảnh Nhật bởi xét đến lịch sử của những người xuất phát từ tỉnh đó có nhiều vấn đề.
Ảnh minh họa
Quay trở lại vụ việc của nữ sinh viên Việt Nam Hắc Phương Linh bị bắt vì cố tình mang vào Nhật 360 quả trứng vịt lộn và 10kg nem chua, cá nhân tôi tin rằng vụ việc sẽ tiếp tục làm xấu đi hơn nữa hình ảnh của người Việt Nam trong mắt người Nhật sau hàng loạt vụ việc ẩu đả do người Việt gây ra mới đây.
Người Nhật có văn hóa tập thể rất cao, họ làm việc theo tập thể, theo nhóm và tạo thành sức mạnh rất lớn. Thế nhưng mặt trái của văn hóa cộng đồng đó là nếu một sự việc tiêu cực ảnh hưởng đến một cá nhân trong cộng đồng thì cả cộng đồng sẽ cùng quay lưng với cá nhân gây ra sự việc đó.
Không ngạc nhiên khi mà không ít bạn trẻ Việt Nam tại Nhật từng phải xấu hổ khi ngay tại chỗ làm, tại nơi học hành đã phải cúi đầu xấu hổ khi bạn bè Nhật đọc báo chí thấy tin xấu về người Việt Nam và nói lửng lơ: “Lại là người Việt Nam mày à, người Việt Nam thật là…“.
Hắc Thị Phương Linh trên bản tin của ANN News hôm 21/07.
Những thực phẩm được phát hiện trong hành lý của nữ du học sinh.
Việc người Nhật cảm thấy ngại ngần với người Việt khi có quá nhiều người Việt gây ra chuyện xấu như ăn cắp, buôn hàng lậu vào Nhật, làm thêm quá giờ đã thực sự thể hiện ở cách họ đối xử với người Việt. Từ tháng 3/2018 đến nay, số lượng du học sinh Việt Nam tại Nhật đi làm thêm quá giờ bị đuổi về nước tăng lên.
Cùng lúc đó, thông tin từ một số công ty và trung tâm du học Nhật lớn trên địa bàn Hà Nội cho thấy từ đầu năm đến nay số lượng du học sinh và người đi làm trượt visa Nhật tăng chóng mặt, thậm chí nhiều người từng đi Nhật đến 2 lần, không phạm pháp gì nhưng vẫn bị từ chối visa Nhật.
Cuộc sống du học sinh xa nhà, đặc biệt tại Nhật, có muôn vàn khó khăn. Xét từ góc độ nhân khẩu học, Nhật là đất nước thuần chủng, lòng tự tôn dân tộc của người Nhật rất cao, người Nhật lại nổi tiếng thế giới về sự khó tính chi li, chính vì vậy để thích nghi được với văn hóa của họ rất khó.
Ảnh minh họa
Hành động phạm pháp của một người có thể bóp chết tương lai của rất nhiều người đi sau
Nhìn từ góc độ kinh tế, chi phí sống ở Nhật đắt đỏ bậc nhất thế giới, nhiều thành phố của Nhật thậm chí còn đắt đỏ hơn tại Bắc Âu hay Bắc Mỹ chính vì vậy du học sinh sang Nhật không những khó khăn về tiền mà còn vấp phải yếu tố khác biệt về văn hóa khá nhiều.
Cuộc sống khó khăn nên con người ta tìm mọi cách để mưu sinh, vì vậy nên cũng có thể thông cảm cho lý do nhiều bạn phải làm cách này cách khác, ví như bạn gái Phương Linh cố gắng mang theo đồ ăn vào (dù chưa rõ với mục đích kinh doanh hay để sử dụng) nhằm tiết kiệm chi phí sinh hoạt.
Thế nhưng có lẽ mỗi người trước khi hành động cũng nên nghĩ đến tương lai của chính bản thân mình và dân tộc, đất nước mình. Một hành động phạm pháp dù có thể không cố tình của bạn sẽ có thể bóp chết tương lai của rất nhiều người đi sau dù họ chẳng làm gì nên tội.
Cũng không nên lấy đói nghèo để bao biện cho sự phạm pháp của mình bởi có bao giờ bạn tự hỏi thời ông bà cha mẹ cũng vô cùng nghèo khó cùng cực nhưng dù ở trong nước hay ra nước ngoài vẫn luôn giữ cho mình trong sạch.
Người Nhật có cái nhiều sự khắt khe nhưng cũng có sự nhân đạo nhất định. Nếu bạn mang đồ vào Nhật chỉ với số lượng ít và vi phạm lần đầu, mọi chuyện nhìn chung sẽ được bỏ qua.
Thế nhưng nếu bạn mang vào nhiều lần và với số lượng quá lớn, việc bạn phải đền bù cực nặng và thậm chí phải ngồi tù hoàn toàn có thể xảy ra bởi không chỉ bằng hệ thống kiểm soát xuất nhập cảnh bằng hình ảnh và nhân trắc học mà người Nhật còn có hàng triệu camera lắp khắp các khu vực công cộng cũng như lực lượng an ninh mạng hoạt động vô cùng hiệu quả. Người ta chưa bắt bạn chẳng qua vì họ chưa muốn bắt chứ không phải họ không biết.
Sự việc của nữ sinh Hắc Thị Phương Linh gây xôn xao trong cộng đồng người Việt Nam tại Nhật.
Nhân vụ việc này, người viết cũng có cuộc trao đổi với chị Nguyễn Thanh Hà, một trong những doanh nhân Việt Nam thành công ở Nhật, chị Hà cũng có chia sẻ quan điểm của mình. Chị Hà nhấn mạnh rằng visa du học sinh hoàn toàn không được phép kinh doanh bất kỳ mặt hàng nào trên đất Nhật. Nếu muốn chuyển sang kinh doanh thông thường, người đó phải chứng minh được việc mình thực sự có thành lập doanh nghiệp và có 500 man (ước chừng hơn 1 tỷ) làm vốn được gửi từ nước ngoài vào Nhật để chứng minh cho khả năng tài chính.
Riêng với ngành thực phẩm, quy định nhập khẩu vô cùng khắt khe, doanh nghiệp của chị đã kinh doanh thực phẩm và hàng tiêu dùng Việt Nam tại Nhật được hơn 12 năm, chị khẳng định rằng việc nhập khẩu nem chua hay chế phẩm thịt như giò cực kỳ khó hoặc có thể khẳng định không thể làm nổi. Chính phủ Nhật áp dụng chế độ kiểm dịch cực kỳ khắt khe, đặc biệt với hàng thực phẩm từ các nước đang phát triển như Việt Nam.
—-
Chính vì vậy theo chị Hà, một vụ việc bắt giữ như bạn Phương Linh mới đây dù đáng thương nhưng hoàn toàn cần thiết để cảnh báo cho nhiều người khác về sự nghiêm khắc của pháp luật Nhật bản. Các bạn trẻ cần biết bỏ qua lợi ích trước mắt để nhìn về dài hạn, tránh ảnh hưởng đến tương lai của chính mình và nhiều người khác.
(Theo: Tri Thức Trẻ)