Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), trong 10 tháng năm 2018, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 116.675 lao động, đạt 106,07% kế hoạch năm 2018.
Việt Nam có trên 116.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong 10 tháng năm 2018.
Số liệu cho thấy, chỉ tính riêng trong tháng 10, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 14.548 lao động (4.978 lao động nữ).
Trong đó, Nhật Bản là thị trường tiếp nhận nhiều lao động nhất trong tháng 10 với 8.078 lao động (trong đó có 3.204 lao động nữ), tiếp đến là Đài Loan 5.373 lao động (1.557 lao động nữ), Hàn Quốc 522 lao động (46 lao động nữ), Malaysia 64 lao động (34 lao động nữ), Rumania 71 lao động nam, Algeria 102 lao động nam, Ả rập – Xê út 120 lao động (107 lao động nữ), Kuwait 62 lao động nam và các thị trường khác.
Tính chung trong 10 tháng năm 2018, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 116.675 lao động (trong đó có 41.636 lao động nữ). Như vậy, với mục tiêu đưa 110.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2018, thì đến tháng 10/2018, Việt Nam đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đặt ra, đạt 106,07% kế hoạch năm.
Theo nhận định, 3 tháng cuối năm 2018, nhiều chính sách mới của các thị trường tiềm năng được thông qua sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Đơn cử, trong tháng 10, thông tin về việc Chính phủ Nhật Bản công bố chương trình nới lỏng quy định tuyển dụng lao động nhập cư và cho phép người lao động nước ngoài có kỹ năng lưu trú lâu dài, đã thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động và người lao động Việt Nam.
Theo ước tính của các bộ ngành Nhật Bản, nếu hệ thống nhập cư mới có hiệu lực từ tháng 4/2019, Nhật Bản sẽ tiếp nhận khoảng 40.000 lao động người nước ngoài trong năm tài chính 2019. Chính phủ Nhật Bản dự kiến tiếp nhận lao động người nước ngoài trong 14 lĩnh vực, trong đó có xây dựng và điều dưỡng.
Minh Thư (infonet)