Theo báo cáo từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 11-2018 là 13.064 người. Nhật Bản đã vượt qua Đài Loan (Trung Quốc) trở thành quốc gia tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất với 8.939 lao động.
Nhật Bản đã vượt qua Đài Loan (Trung Quốc) trở thành quốc gia tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện có 28 thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam, trong đó 6 thị trường tiếp nhận với quy mô từ 1.000 lao động trở lên, bao gồm: Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, Romania, Ả Rập Saudi. Riêng 2 thị trường Đài Loan và Nhật Bản có số lao động đưa đi trong 11 tháng chiếm 90,23% tổng số lao động xuất khẩu của cả nước.
Những năm gần đây, Nhật Bản là sự lựa chọn số 1 của nhiều du học sinh, người xuất khẩu lao động (XKLĐ) Việt Nam. Thị trường xuất khẩu Nhật Bản đem đến nhiều yếu tố thuận lợi: thu nhập cao, chế độ bảo hiểm – an sinh xã hộ tốt, quyền lợi người lao động được bảo đảm.
Hiện nay có 2 hình thức lao động ở Nhật là thực tập sinh kỹ thuật và du học vừa học, vừa làm. Người lao động đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản trong thời gian từ 3 – 5 năm; được hưởng mức lương cơ bản theo hợp đồng trong khoảng từ 25 – 30 triệu đồng/tháng (chưa khấu trừ thuế, bảo hiểm). Sau khi hoàn thành chương trình thực tập, về nước đúng thời hạn, người lao động sẽ được tổ chức IM Japan hỗ trợ từ 600.000 – 1.000.000 yên/người (tương đương khoảng từ 120 – 200 triệu đồng), tùy vào số năm thực tập để khởi nghiệp.
Mới đây, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua dự luật mới về việc tiếp nhận người lao động nước ngoài. Đây là nỗ lực của quốc gia này nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động kéo dài những năm gần đây.
Với việc áp dụng luật mới này, chính phủ Nhật Bản dự định tiếp nhận số lao động nước ngoài lên tới 345.000 người, thuộc các ngành xây dựng, dịch vụ thực phẩm, điều dưỡng và một số lĩnh vực khác trong 5 năm.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, luật mới này cũng sẽ là cơ hội để các bạn đã tham gia chương trình thực tập sinh 3 năm, 5 năm có thêm cơ hội để tiếp tục được nâng cao trình độ tiếng Nhật, tay nghề, kỹ năng tại Nhật Bản.
Tuy nhiên, cơ hội càng nhiều thì thách thức càng lớn bởi thị trường xuất khẩu lao động Nhật Bản vốn nổi tiếng “khó tính” với những điều kiện, yêu cầu khắt khe hơn.
Để nắm bắt cơ hội này, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cần chú trọng đào tạo tay nghề, ngoại ngữ để có thể tuyển chọn những lao động có đủ trình độ tham gia làm việc tại thị trường Nhật Bản.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý phải có những biện pháp chặt chẽ nhằm xử lý các trường hợp tiêu cực, gây ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu lao động của Việt Nam sang Nhật Bản
An Nhiên-ANTĐ