Quyết định được đưa ra sau cuộc hội đàm giữa ông Shinzo Abe và Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach.
Thủ tướng Shinzo Abe cho biết, việc hoãn chứ không hủy bỏ Thế vận hội là phương án phù hợp nhất ở thời điểm này, trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19 đang diễn ra khắp toàn cầu.
“Thế vận hội sẽ được tổ chức vào mùa hè năm 2021, để đảm bảo các vận động viên có được trạng thái sức khỏe tốt nhất khi thi đấu, cũng như đảm bảo an toàn cho khán giả”, ông Abe chia sẻ với báo chí sau cuộc hội đàm với Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế.
Như vậy, với việc hoãn Thế vận hội Olympic thì Paralympic cũng sẽ hoãn theo. Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) và Ban tổ chức Tokyo 2020 thống nhất, dù năm sau mới diễn ra sự kiện nhưng ngọn lửa Olympic sẽ ở lại Nhật Bản như một “ngọn hải đăng” hy vọng của thế giới trong thời điểm khó khăn này.
Trước đó vài ngày, IOC và Ban tổ chức Tokyo, Chính phủ Nhật Bản đã khẳng định không có kế hoạch trì hoãn Thế vận hội và họ đang xem xét kịch bản tổ chức thế vận hội khác nhau. Tuy nhiên, họ đã phải xem xét lại quyết định này khi Canada và Australia tuyên bố họ sẽ không gửi vận động viên đến Nhật Bản vào tháng 7, trong khi chính phủ Anh và Pháp kêu gọi IOC đưa ra quyết định về việc có hoãn sự kiện hay không.
Dịch Covid-19 đã giết chết hơn 16.000 người trên toàn thế giới và đã có hơn 370.000 trường hợp nhiễm virus được xác nhận, khiến lần đầu tiên trong lịch sử 124 năm của Thế vận hội, IOC phải hoãn sự kiện lại một năm, để đảm bảo sự an toàn cho tất cả người tham gia. Trước đó, Thế vận hội đã bị hủy bỏ vào năm 1916, 1940 và 1944 trong hai cuộc chiến tranh thế giới.
Việc hoãn lại một sự kiện thể thao lớn như Olympic sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế nước chủ nhà, khi họ đã chi hơn 12 tỷ đô la Mỹ cho sự kiện này. Nếu Thế vận hội không diễn ra như kế hoạch, ước tính trong tháng này Nhật Bản sẽ mất 4,5 tỷ đô la (550 tỷ yên).