Lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động vẫn đang gặp nhiều rủi ro về di cư lao động, chịu chi phí cao hơn so với các nước khác.
Tại Hội nghị Công bố Bộ Quy tắc ứng xử 2018 của Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam và công cụ giám sát được Bộ LĐ-TB-XH tổ chức sáng nay (24/4), ông Chang- Hee Lee, Giám đốc tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng, người lao động đi xuất khẩu có đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của quốc gia, tăng nguồn ngoại hối.
Lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động vẫn phải chịu chi phí cao. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhóm lao động này vẫn đang gặp phải nhiều rủi ro về di cư lao động, chưa được cung cấp đầy đủ thông tin về các thị trường được phái cử. Đặc biệt, người lao động phải chịu mức chi phí cao hơn so với các nước khác khi xuất khẩu lao động.
Đại diện tổ chức ILO tại Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần giảm bớt các loại phí, tiến tới không còn phí xuất khẩu lao động, thực hiện nghiêm chỉnh theo bộ quy tắc mới. ILO cam kết hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện minh bạch trong chi trả các loại phí.
Ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam cho rằng, cần so sánh một cách toàn diện về mức chi phí xuất khẩu lao động.
“Mức phí này có thể “mặc cả” tùy thuộc vào trình độ người lao động, bao gồm kỹ năng nghề, ngoại ngữ, tính tuân thủ pháp luật, chấp hành quy định. Đây là những yếu tố doanh nghiệp có thể đưa ra đàm phán với phía công ty nước bạn. Có những doanh nghiệp tuyển dụng được lao động có tay nghề, trình độ nhưng không tuân thủ pháp luật, bỏ trốn nhiều, đối tác nước bạn cũng đành chào thua”, ông Trào cho hay.
Cũng theo ông Nguyễn Lương Trào, doanh nghiệp vẫn có tâm lý chung muốn hạ mức chi phí để tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nếu muốn có đơn hàng, doanh nghiệp buộc phải chấp nhận việc thu thêm chi phí để bù trừ vào thiệt hại do lao động bỏ trốn.
Ông Trào cho rằng, để giảm chi phí trong hoạt động xuất khẩu lao động, cần có những biện pháp tổng thể như nâng cao chất lượng nguồn lao động, đào tạo lao động sát với thực tiễn…
Trong thời gian tới, nhằm nâng cao thương hiệu cho doanh nghiệp, gắn liền với bảo vệ tốt hơn người lao động đi xuất khẩu tại nước ngoài, Hiệp hội Xuất khẩu lao động sẽ triển khai, giám sát việc thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử CoC –VN đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
“Bằng cách này, chúng tôi muốn cho doanh nghiệp thấy rằng, con đường phát triển duy nhất là tuân thủ đúng các quy tắc. Nếu không tuân thủ, chệch choạc, vi phạm, doanh nghiệp sẽ không đủ tư cách hoạt động, người lao động cũng mất niềm tin, rời bỏ”, ông Trào nhấn mạnh./.
(Theo:https://m.vov.vn/xa-hoi/lao-dong-viet-nam-ganh-chi-phi-cao-khi-di-xuat-khau-lao-dong-755072.vov)