Một người sốt cao, khó thở bị 80 bệnh viện từ chối, khiến xe cứu thương chạy lòng vòng hàng giờ; một người đàn ông khác sốt cao, cũng liên hệ bất thành với 40 cơ sở y tế trước khi tìm được nơi điều trị.
Theo AP, đây là những ví dụ rõ ràng cho thấy khả năng “vỡ trận” của hệ thống y tế Nhật Bản. Hiệp hội y học cấp tính và Hiệp hội cấp cứu y tế Nhật Bản cho biết nhiều phòng cấp cứu tại các bệnh viện đang từ chối tiếp nhận bệnh nhân mắc các triệu chứng đột quỵ, đau tim và chấn thương bên ngoài.
Nhân viên y tế Nhật Bản làm việc tại các lều xét nghiệm. Ảnh: Reuters. |
Ở giai đoạn đầu của đại dịch, Nhật Bản đã làm khá tốt trong việc kiểm soát bùng nổ dịch bệnh bằng việc theo dõi sát sao nguồn lây ở từng địa điểm cụ thể, bên cạnh việc rà soát các câu lạc bộ, phòng gym, những nơi tụ tập đông đúc. Tuy vậy, dần dần, sự lây lan của virus đã vượt ra khỏi giới hạn, khiến quốc gia này mất dấu trong việc truy ra nguồn lây nhiễm của những ca bệnh tiếp theo.
Sự bùng nổ Covid-19 phơi bày sự yếu kém của chăm sóc y tế tại Nhật Bản – vốn luôn được khen bởi hệ thống bảo hiểm chất lượng cao và giá thành phải chăng. Nguyên nhân gây ra sự thất bại trong việc phòng chống Covid-19, ngoài lý do người dân không chịu chấp hành nghiêm túc lệnh giãn cách xã hội, các chuyên gia còn đổ lỗi cho sự kém cỏi của chính phủ cũng như sự khan hiếm đồ bảo hộ và thiết bị y tế cần thiết.
Nhật Bản thiếu giường bệnh, thiếu cả nguồn nhân lực lẫn thiết bị, y cụ. Chính sách ép buộc những người nhiễm virus đến bệnh viện chữa trị, ngay cả khi họ chưa có triệu chứng, rõ ràng, đã dồn các phòng bệnh vào tình trạng quá tải và thiếu y bác sĩ.
“Sự sụp đổ của hệ thống cấp cứu” tại Nhật Bản mới chỉ diễn ra, nhưng sẽ dự báo cho sự sụp đổ toàn bộ hệ thống y tế của quốc gia này, Hiệp hội y học cấp tính và Hiệp hội cấp cứu y tế Nhật Bản phát biểu trong một tuyên bố chung. Với hành động quay lưng với những bệnh nhân, các bệnh viện đang đặt gánh nặng quá tải lên những trung tâm cấp cứu tiên tiến và quan trọng.
“Chúng ta không thể tiếp tục duy trì hệ thống cấp cứu y tế theo như cách thông thường được nữa”, Takeshi Shimazu, bác sĩ cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Osaka chia sẻ.
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đang làm nhiệm vụ tại một khách sạn dành cho những người có khả năng lây nhiễm Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Yoshitake Yokokura, lãnh đạo Hiệp hội y khoa Nhật Bản cho biết, hiện giờ các bệnh viện đều không được cung cấp đủ khẩu trang, đồ bảo hộ, mặt nạ. Điều này làm các y bác sĩ đối mặt với nguy cơ lây nhiễm virus rất cao. Ngoài ra, sự khan hiếm này cũng khiến cho việc chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19 khó khăn hơn.
Vào tháng 3/2020, hơn 931 ca cấp cứu đã bị từ chối bởi hơn 5 bệnh viện tại Nhật Bản hoặc tài xế cứu thương phải mất hơn 20 phút mới có thể tìm được phòng cấp cứu chịu tiếp nhận. Tình trạng lây lan dịch bệnh gia tăng ở các bệnh viện đã khiến không ít các y bác sĩ phải tự cách ly tại nhà, khiến cho nhân sự ngày càng khan hiếm.
Những ca bệnh mới ở thủ đô Tokyo bắt đầu bùng nổ vào cuối tháng 3, một ngày sau khi Thế vận hội Olympics tại thành phố này được thông báo hoãn lại một năm. Tốc độ tăng trưởng các ca lây nhiễm tăng đột biến và lên tới con số hiện tại là 2.595. Hầu hết những người dương tính với Covid-19 vẫn đang nằm trong viện, khiến tình trạng phòng bệnh quá tải.
Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, với khoảng 10.000 người nhiễm bệnh và 170 ca tử vong, tình hình dịch bệnh của Nhật Bản không quá thảm khốc như ở New York, Mỹ – nơi đã có hơn 10.000 người chết do Covid, hay như Italy với hơn 21.000 người thiệt mạng.
Tuy vậy, vẫn có những người lo sợ rằng tình hình lây lan ở Nhật Bản có thể tệ hơn trong tương lai.
Các bác sĩ nói rằng họ đang bị vắt kiệt sức lực. Covid-19 “ủ bệnh” rất lâu, và mất khá nhiều thời gian mới có triệu chứng rõ rệt; trong khoảng thời gian đó, người bệnh dương tính với loại virus này có thể xuất hiện tại các cơ sở y tế và vô tình lây bệnh cho những người xung quanh mà không hay biết. Hôm 16/4, hiệp hội nhân viên y tế đã yêu cầu chính phủ trả thêm cho họ các khoản trợ cấp rủi ro và cung cấp đủ đồ bảo hộ.
Nhân viên y tế đang phải tái sử dụng khẩu trang N95 và tự làm mặt nạ. Các thành phố lớn ở tỉnh Osaka cũng quyên góp được hàng loạt áo mưa dùng một lần đã qua sử dụng và sử dụng chúng để làm quần áo bảo hộ. Thủ tướng Abe đã kêu gọi các nhà máy đẩy mạnh việc sản xuất mặt nạ, áo choàng, máy trợ thở…
Bệnh viện đa khoa Makita ở Tokyo dán thông báo ngừng điều trị y tế ngoại trú sau khi một bác sĩ và y tá làm việc tại đây được xác nhận nhiễm nCoV. Ảnh: AP. |
Lực lượng phòng chống dịch bệnh của chính phủ cảnh báo rằng, trong viễn cảnh tồi tệ nhất khi không có biện pháp bảo hộ nào được thực hiện, sẽ có hơn 400.000 người chết do thiếu máy trợ thở và các trang thiết bị chăm sóc y tế cần thiết.
Thủ tướng Shinzo Abe cho biết chính phủ đã cung cấp 15.000 máy trợ thở và đang cố gắng sản xuất thêm nhờ sự hỗ trợ từ các thương hiệu lớn như Sony, Toyota.
Bên cạnh đó, các bệnh viện Nhật Bản còn thiếu cả nhân sự phụ trách phòng bệnh chăm sóc tích cực. Chỉ có khoảng 5 y bác sĩ phục vụ 100.000 người bệnh, trong khi con số này ở Đức là 30 y bác sĩ, và ở Mỹ là 35, ở Italy là 12, Osamu Nishida – lãnh đạo của Hiệp hội y học chuyên sâu Nhật Bản – tiết lộ.
“Lực lượng ít ỏi phụ trách phòng bệnh chăm sóc tích cực ở Nhật Bản dự kiến có thể phải đối mặt với tình trạng quá tải do tử vong rất nhanh”, Nishida nói.
Nhật Bản đang hạn chế xét nghiệm virus do quy định bắt buộc người bệnh đến điều trị ở bệnh viện. Nhưng tốc độ lây nhiễm cao đã khiến Bộ Y tế phải nới lỏng điều luật, đưa những bệnh nhân có triệu chứng không rõ ràng đến cách ly tại các khách sạn, để có đủ giường bệnh cho những ca nghiêm trọng hơn.
Theo các chuyên gia, biện pháp kêu gọi người dân giãn cách xã hội vẫn chưa thực sự hiệu quả tại những thành phố đông dân cư như Tokyo. Mọi người vẫn chen chúc nhau trong những toa tàu điện ngầm chật ních người để đi làm cho dù thủ tướng chính phủ đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc gia.
Các quan chức y tế e ngại rằng người dân sẽ vẫn đi lại tự do vào kỳ nghỉ “tuần lễ vàng” sắp diễn ra vào đầu tháng 5 tới.
“Chúng tôi đang nghe thấy tiếng khóc bất lực của hệ thống y tế, rằng mạng sống của nhiều người đang bị đe dọa”, Abe phát biểu vào 17/4. “Một lần nữa, tôi đề nghị mọi người, vui lòng không đi ra ngoài”.
(Bài viết gốc:https://ione.net/tin-tuc/nhip-song/hong/nhat-ban-benh-nhan-bi-80-benh-vien-tu-choi-tiep-nhan-4086699.html)