Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Thông tư Ban hành Chương trình tiếng Nhật thực hành theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Ảnh minh họa/internet
Chương trình tiếng Nhật thực hành theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư này được áp dụng cho tất cả các cơ sở giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu học tập tiếng Nhật thực hành của mọi đối tượng người học thuộc hệ thống giáo dục thường xuyên.
Chương trình tiếng Nhật thực hành là chương trình tiếng Nhật được xây dựng hướng tới mọi đối tượng người học, nhằm trang bị cho người học các kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể giao tiếp được bằng tiếng Nhật.
Chương trình tiếng Nhật thực hành cung cấp tri thức về văn hóa xã hội, kiến thức ngôn ngữ nói chung và kỹ năng sử dụng tiếng Nhật (bao gồm 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết) nói riêng, giúp người học rèn luyện năng lực giao tiếp bằng ngoại ngữ.
Chương trình được xây dựng với thời lượng 1.620 tiết học (mỗi tiết học ứng với 50 phút trên lớp), theo yêu cầu của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và được chia làm 6 bậc (từ Bậc 1đến Bậc 6) theo Khung năng lực ngoại ngữ này, trong đó mỗi bậc ứng với thời lượng 270 tiết học.
Chương trình được xây dựng dựa vào nhu cầu của xã hội Việt Nam và đặc điểm tâm sinh lý, văn hóa của người Việt Nam trong bối cảnh giao tiếp/ giao lưu với người Nhật Bản. Chương trình được biên soạn dựa vào những quan điểm ngôn ngữ như sau:
Ngôn ngữ là một phương tiện giao tiếp; Ngôn ngữ là một phương tiện biểu đạt tư duy và tình cảm; Ngôn ngữ là công cụ thể hiện những đặc điểm văn hóa của một dân tộc; Việc sử dụng ngôn ngữ phụ thuộc vào các yếu tố mục đích, đối tượng, ngữ cảnh, và đặc điểm văn hóa.
Chương trình được xây dựng theo quan điểm hình thành và phát triển các kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết) trong khuôn khổ của các chủ đề giao tiếp phù hợp, lấy kỹ năng giao tiếp dựa theo chủ điểm làm trục chính.
Trong chương trình, nội dung giao tiếp và chủ điểm được coi là cơ sở cho việc lựa chọn nội dung các bài học, bài tập và hoạt động trong mỗi bài học. Do vậy, kỹ năng giao tiếp và chủ điểm sẽ chi phối việc lựa chọn và tổ chức nội dung ngữ liệu trong chương trình.
Các chủ điểm, chủ đề được lựa chọn trong chương trình đều là những chủ điểm, chủ đề gần gũi trong cuộc sống hằng ngày của người Việt Nam, nội dung liên quan đến đất nước, con người, văn hóa, xã hội Việt Nam, Nhật Bản và các nước khác trên thế giới, được lặp lại và có mở rộng qua các cấp bậc.
Mục tiêu chung của Chương trình nhằm trang bị cho người học kiến thức và kỹ năng cần thiết về tiếng Nhật thực hành để hình thành năng lực sử dụng tiếng Nhật, đặc biệt là khả năng giao tiếp thông qua các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, đồng thời có thể sử dụng tiếng Nhật trong công việc hoặc tiếp tục học tiếng Nhật như một chuyên ngành ở trình độ cao hơn.
Minh Phong (Báo giáo dục và thời đại)