Sự thật đằng sau con số kinh hoàng 12.208 người mất tích tại Nhật Bản trong năm 2015
Những vụ mất tích bí ẩn luôn làm đau đầu các nhà điều tra khi vài tháng ròng không có manh mối. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, số lượng người mất tích lên tới con số hàng chục nghìn mà các nhà chức trách vẫn đau đầu không có hướng giải quyết.
Có thực sự tồn tại cuộc mất tích lên tới 12.000 người tại một quốc gia mà không ai biết hay có động thái gì để ngăn cản?
Con số chính xác là 12.208 người và đây là câu chuyện có thật tại Nhật Bản vào năm 2015. Năm ngoái, 12.208 người mắc chứng bệnh mất trí nhớ, phần lớn là người già, đã mất tích tại Nhật Bản. Theo cục cảnh sát quốc gia, nguyên nhân chính được cho là do những người này đã đi lang thang và không tìm được về nhà. So với năm 2014, con số này đã tăng lên 13,2%, tương đương với 1.425 người.
Trong số những người mất tích, có khoảng 12.121 người đã được xác định. Hơn 8.310 người đã được tìm thấy ngay trong ngày họ mất tích và 98% trong số đó được tìm thấy chỉ trong một tuần.
Tuy nhiên, có khoảng 479 người được tìm thấy đã chết và 150 người vẫn mất tích, bao gồm cả những người mất tích từ trước năm 2015. Đây quả thật vẫn là một con số lớn tại đất nước vốn được coi là yên bình như Nhật Bản.
Theo bộ y tế, lao động và phúc lợi xã hội, năm 2012, số lượng người mắc bệnh mất trí nhớ tại Nhật Bản là 4,62 triệu người. Con số này được dự kiến sẽ tăng lên 7 triệu người vào năm 2025. Cục cảnh sát Nhật Bản cho biết, số lượng người mất tích cũng vì thế mà tăng cao lên rất nhanh.
Năm 2014, cảnh sát đã thất bại trong việc xác định chứng mất trí nhớ của một cụ ông 83 tuổi, đi lạc từ trung tâm chăm sóc sức khỏe Yokohama. Mặc dù rất nhiều cảnh sát đã gặp và hỏi ông cụ tại Tokyo nhưng họ không biết rằng cụ ông bị mất trí nhớ. Cuối cùng, ông cụ chết vì bị mất nước và suy nhược cơ thể tại một công viên.
Đau xót hơn, tháng 12 năm 2007, một cụ ông 91 tuổi đã đi khỏi nhà tại thành phố Obu và ngã xuống đường ray tàu hỏa, ngay trước khi chiếc tàu đi vào trong sân ga. Cái chết thảm thương của ông cụ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm của chứng bệnh mất trí nhớ mà ít được quan tâm trước đó. Được biết, ông cụ đã đi lang thang từ khi 85 tuổi nhưng gia đình không mấy để ý.
Đây là một trong những vấn đề nguy hiểm trong việc phát hiện người mắc chứng bệnh lú lẫn khi tại đất nước có dân số già như Nhật bản, việc nhìn thấy những người già đi trên đường là hoàn toàn bình thường. Do vậy, ít ai nghi ngờ về việc họ có bị mất trí nhớ hay không.
Để giải quyết vấn đề, chính quyền thành phố phối hợp cùng các doanh nghiệp địa phương, trạm xăng và các công ty taxi để ý tới những bệnh nhân mất trí nhớ có thể lang thang gần đó. Những nỗ lực hợp tác đã được tiến hành tại rất nhiều tỉnh thành trên cả nước Nhật với hy vọng sẽ giảm được con số đang tăng với tốc độ chóng mặt đó xuống.
Tại Takasaki, tỉnh Gunma, chính quyền thành phố đã cung cấp hệ thống định vị toàn cầu miễn phí cho phép cảnh sát có thể theo dõi các bệnh nhân mất trí nếu được gia đình thông báo mất tích. Từ khi được đưa vào hoạt động, hệ thống này đã giúp tìm ra rất nhiều người già lang thang mỗi năm.
Vấn đề trên đã khiến nhiều người quan ngại, không chỉ vì số lượng người già Nhật Bản đang tăng lên chóng mặt mà còn bởi chất lượng và cơ sở chăm sóc cho người già vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn.
(Nguồn:Kenh14.vn)