Theo trang SCMP, Chính phủ Nhật Bản sẽ cấp thị thực cho nhân lực có tay nghề cao ở nước ngoài nếu đảm bảo thu nhập hàng năm là 20 triệu yên (tương đương 148.000 USD) và có bằng thạc sĩ.
Ngày 17/2, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định thiết lập một lộ trình mới nhằm đơn giản hóa việc cấp thị thực cho những chuyên gia có tay nghề cao là người nước ngoài. Chính sách này thúc đẩy cơ hội thu hút nhân tài nước ngoài vào Nhật Bản.
Ảnh minh họa. Nguồn: AP
Quyết định nới lỏng điều kiện cấp phép cư trú cho người nước ngoài có tay nghề cao đã được thông qua tại cuộc họp của các bộ trưởng liên quan trong Nội các Nhật Bản. Cụ thể, chính sách cấp thị thực “chuyên gia có tay nghề cao” với thời hạn cư trú 5 năm cho người nước ngoài có một số điều kiện nhất định được tính dựa trên trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, thu nhập hằng năm và các yếu tố khác.
Điều kiện sẽ đáp ứng theo các tiêu chí nhất định như có thu nhập ít nhất 20 triệu yên/năm và có bằng thạc sỹ trở lên; hoặc có thu nhập ít nhất 20 triệu n/năm và có ít nhất 10 năm kinh nghiệm làm việc. Bên cạnh đó, những đối tượng này sẽ đủ điều kiện để được cấp thị thực vĩnh viễn sau một năm cư trú theo hệ thống mới mà chính phủ nước này đang tạo điều kiện tốt nhất thế giới
Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ cấp thị thực cho người có tay nghề cao trong 5 năm dựa trên hệ thống đánh giá điểm, trong đó các điểm sẽ được phân bổ theo hạng mục bao gồm nền tảng học vấn và việc làm cũng như thu nhập hàng năm. Tuy nhiên, hình thức này vẫn được xem là phức tạp trong thời điểm cạnh tranh toàn cầu thu hút những người có năng lực thực sự đang trở nên nóng hơn bao giờ hết.
Hệ thống mới “sẽ công nhận việc đối xử ưu đãi mở rộng đối với những người có năng lực cấp cao nhất”, Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno phát biểu tại cuộc họp cấp bộ trưởng để quyết định về biện pháp này.
Chính phủ Nhật Bản sẽ bắt đầu áp dụng phương pháp điều chỉnh mới này vào tháng 4 tới sau khi trưng cầu ý kiến của người dân. Theo hệ thống thống kê hiện tại, tổng cộng 34.726 người đã nhận được thị thực 5 năm cho đến tháng 6 năm ngoái, trong số đó có 16.131 người sống ở Nhật Bản vào tháng này. Thị thực này sẽ cấp theo 3 loại: nghiên cứu học thuật nâng cao, chuyên môn/kỹ thuật nâng cao và hoạt động quản lý – kinh doanh nâng cao.
Cách thức đánh giá cấp thị thực
Trong khi vẫn duy trì hệ thống dựa trên đánh giá điểm, cách thức mới sẽ đánh giá cấp thị thực cho những người nộp đơn nghiên cứu học thuật nâng cao hoặc trong các hoạt động chuyên môn/kỹ thuật nâng cao nếu họ có bằng thạc sĩ trở lên và thu nhập hàng năm từ 20 triệu yên trở lên hoặc hồ sơ việc làm có kinh nghiệm từ 10 năm trở lên và thu nhập hàng năm từ 20 triệu yên trở lên.
Đối với những người đăng ký hoạt động quản lý và kinh doanh nâng cao, thị thực 5 năm sẽ được cấp nếu họ có hồ sơ việc làm từ 5 năm kinh nghiệm trở lên và thu nhập hàng năm là 40 triệu yên (khoảng 300.000 USD). Các đối tượng đáp ứng những tiêu chí này có thể xin lưu trú vĩnh viễn ở Nhật Bản chỉ sau 1 năm sống ở nước này, tức là sớm hơn 2 năm so với hiện nay. Tại cuộc họp cấp bộ, Chính phủ Nhật Bản cũng đã nhất trí tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các tài năng trẻ nước ngoài tìm kiếm việc làm tại Nhật Bản.
Mặt khác, một người nước ngoài đã tốt nghiệp tại một trường đại học được xếp hạng thuộc top 100 trường đại học hàng đầu trong bảng xếp hạng giáo dục toàn cầu – do Cục Quản lý Xuất nhập cảnh và Lưu trú Nhật Bản (ISAJ) chỉ định – cũng sẽ đủ điều kiện để được cấp thị thực có thời hạn lên đến 2 năm để tìm việc làm ở Nhật Bản. Hàng loạt các bước nhằm thu hút nhân tài nước ngoài tay nghề cao được đưa ra sau khi Thủ tướng Fumio Kishida chỉ đạo các bộ liên quan vào tháng 9/2022 hướng tới việc xem xét cải cách chính sách thị thực nhằm thu hút nhân lực có tay nghề cao. Điển hình là việc xây dựng hệ thống mới “được xếp vào tốt nhất trên thế giới”. Ngoài Nhật Bản, Thái Lan trước đó cũng đã công bố thị thực cư trú dài hạn lên đến 10 năm cho các chuyên gia lành nghề và nhân công. Chương trình này của Thái Lan đang thu hút các ứng viên từ Mỹ, Trung Quốc và các nước khác. Trích dẫn các ví dụ điển hình của một số quốc gia như Anh, Pháp và Singapore thiết lập chế độ ưu đãi trong việc tiếp nhận các chuyên gia nước ngoài, Thủ tướng Kishida khẳng định Nhật Bản vẫn thiếu nguồn nhân lực nước ngoài có tay nghề cao.
“Nhật Bản cần nỗ lực hơn nữa để thu hút nhân tài thông qua hệ thống tiếp nhận nguồn nhân lực như vậy và đảm bảo môi trường sống chất lượng cao”, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh./.
Hồng Nhung