Vượt qua bốn ứng viên người bản địa, thầy Nguyễn Duy Anh được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Học viện Nhật ngữ GAG ở thành phố Fukuoka, Nhật Bản.
Trở thành hiệu trưởng người nước ngoài tại một trường dạy tiếng Nhật là bước tiến, ghi nhận sự nỗ lực suốt hơn 16 năm qua tại xứ sở hoa anh đào của thầy giáo Duy Anh, 34 tuổi, quê Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Thầy Nguyễn Duy Anh, Hiệu trưởng Học viện Nhật ngữ GAG ở thành phố Fukuoka, Nhật Bản. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tháng 4/2006, anh Duy Anh sang học tiếng tại Học viện Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản. Những ngày đầu, chàng trai sốc cả về ngôn ngữ lẫn văn hóa. Mong muốn giao tiếp được tiếng Nhật nhanh nhất có thể, anh quyết định đi làm thêm.
Đầu tiên, Duy Anh xin vào rửa bát ở một quán án. Công việc bắt đầu vào chiều tối, sau giờ học và kéo dài bốn tiếng. Đều đặn hàng ngày, anh đạp xe khoảng 30 phút từ phòng trọ đến nơi làm việc.
Thấy chàng trai người Việt nhanh nhẹn, ham học hỏi, chủ quán giao cho anh làm bếp, chế biến các món tempura hay sushi. Nhờ chăm chỉ luyện tập tiếng Nhật tại chỗ làm thêm nên chỉ thời gian ngắn, trình độ của anh được cải thiện. Khi đã tự tin hơn về giao tiếp, anh xin được công việc thu ngân ở siêu thị và phiên dịch.
Kết thúc hai năm học tiếng, Duy Anh theo học khóa dự bị đại học tại Học viện EHLE (thành phố Osaka) rồi thi đỗ khoa Kinh tế, Đại học công lập tỉnh Hyogo (thành phố Kobe) – trường top 3 về khối ngành Kinh tế của Nhật Bản. Anh cũng là sinh viên Việt Nam duy nhất thi đỗ vào trường năm đó.
Anh Duy Anh liên tục đạt học bổng toàn phần bốn năm liền và tốt nghiệp đại học công lập Nhật Bản với tấm bằng giỏi. Ra trường, anh làm biên, phiên dịch và xử lý hồ sơ cho du học sinh của trường Nhật ngữ Osaka Minami (thành phố Osaka) để tích lũy kinh nghiệm. Hai năm sau, anh về làm giám đốc điều hành Học viện Nhật ngữ GAG.
“Từ làm công ăn lương chuyển sang quản lý, tôi phải nỗ lực rất nhiều. Quan niệm người cố gắng thì sẽ có tiếng nói và được tôn trọng, tôi chứng minh khả năng bằng kết quả công việc, thay vì chỉ hứa suông”, anh Duy Anh chia sẻ.
Người Nhật vốn nổi tiếng với văn hóa làm việc cống hiến, do đó anh phải dành trọn tình yêu, sự tâm huyết để đảm đương khối lượng công việc lớn. Anh thường là người tới nơi làm việc sớm nhất và về sau cùng.
Tập thể sinh viên và giáo viên Học viện Nhật ngữ GAG. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ở vị trí của giám đốc điều hành, anh Duy Anh có nhiệm vụ phát triển trường, tuyển sinh và nâng cao chất lượng giáo dục. Trường của anh tập trung đào tạo ngôn ngữ, văn hóa, kỹ năng cho hai đối tượng đi học và đi làm.
Sinh viên có nhu cầu thi vào cao đẳng, đại học, trường nghề tại Nhật được dạy sâu hơn về các môn văn hóa bằng tiếng Nhật, được thầy cô hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ, tham gia kỳ thi lấy chứng chỉ cần thiết, tập luyện phỏng vấn xin học bổng… Với những bạn muốn đi làm sau khi tốt nghiệp, nhà trường thành lập riêng một công ty kết nối nhân lực, nhằm giúp đỡ các bạn xin vào làm tại doanh nghiệp Nhật Bản đúng với nguyện vọng, sở thích và năng lực bản thân.
Từng trải qua những năm tháng bắt đầu từ số không, anh Duy Anh hiểu rõ khó khăn du học sinh gặp phải. Không muốn các em phải đi đường vòng, anh luôn sẵn sàng tư vấn, giúp đỡ để sinh viên có cơ hội học tập và làm việc. Không ít du học sinh được anh giúp đỡ giờ có công việc ổn định và thành công ở Nhật Bản. Thỉnh thoảng nhận được tin nhắn báo tin của các bạn, anh cảm thấy hạnh phúc và thấy con đường mình lựa chọn là đúng đắn.
Hiện trường có hơn 300 sinh viên, trong đó 50% đến từ Việt Nam, còn lại là Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Philippines, Indonesia, Sri Lanka, Mông Cổ… Học viện cũng được Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản công nhận về chương trình đào tạo và chất lượng.
Anh Duy Anh tâm sự trở thành hiệu trưởng là niềm tự hào nhưng cũng là áp lực. Anh mất hai tháng suy nghĩ, không biết có đảm nhiệm nổi, có thể trở thành bộ mặt của trường hay không. “Tôi thích thử sức bản thân, làm công việc chưa người Việt nào ở Nhật làm. Từng học đại học và nhiều năm đi làm ở Nhật nên tôi mong muốn mang hơi thở mới, sự thân thiện, gần gũi đến với sinh viên”, anh Duy Anh nói.
Cuối cùng, vượt qua bốn ứng viên người Nhật có kinh nghiệm quản lý giáo dục, anh được lựa chọn làm người đứng đầu Học viện Nhật ngữ GAG vào giữa tháng 5. Ba ngày sau khi nhận quyết định, anh về Việt Nam công tác giữa lúc dịch bệnh căng thẳng. Vừa điều hành trường online, anh vừa tranh thủ giải quyết các việc bị tồn đọng vì Covid-19.
“Chuyến công tác là bước đi táo bạo, nhưng mang lại kết quả ngoài sức tưởng tượng của tôi. Tôi đã hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh cho năm 2022”, anh Duy Anh cho hay. Trong khi các trường tiếng ở Nhật bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, học viện của anh đã chủ động có cách làm khác và đạt được thành công.
Đại sứ Vũ Bình tặng hoa thầy Nguyễn Duy Anh khi nhậm chức Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Fukuoka nhiệm kỳ hai hôm 25/9. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ông Vũ Bình, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka, cho biết anh Duy Anh là doanh nhân trẻ, lập nghiệp trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo trên đất Nhật. Anh hiện là hiệu trưởng người Việt Nam đầu tiên tại Nhật Bản và Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Fukuoka.
Khi ông Bình sang Nhật nhận nhiệm vụ, trường của anh Duy Anh đã thành lập nhưng còn non trẻ và không dễ gì đạt được thành công trong môi trường cạnh tranh gay gắt, đặc biệt ở mảng đào tạo tiếng. Tuy nhiên, nhờ sự nhạy bén, nắm bắt thời cuộc và quyết đoán, anh đã tạo được uy tín và danh tiếng cho trường.
“Tôi vui mừng khi chứng kiến sự trưởng thành vượt bậc của Duy Anh trong thời gian khá ngắn, cả ở lĩnh vực chuyên môn và hoạt động vì cộng đồng người Việt Nam ở Fukuoka”, ông Bình nói.
Bình Minh (https://vnexpress.net/hieu-truong-nguoi-viet-dau-tien-o-nhat-4363679.html)