Ngoài IELTS và các chứng chỉ tiếng Anh khác, nhiều đợt thi lấy chứng chỉ tiếng Trung, Nhật và tiếng Hàn tại Việt Nam cũng bị hoãn.
Sáng 10/11, trên website của tổ chức IDP – một trong hai đơn vị tổ chức thi IELTS ở Việt Nam, thông báo tạm hoãn thi IELTS cho đến khi có thông báo mới. “Đây là tình huống bất khả kháng và tất cả các tổ chức cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ đều phải tuân thủ”, thông báo viết.
Thông tin tương tự cũng được gửi đến các thí sinh đăng ký thi IELTS ở Hội đồng Anh (British Council) từ chiều qua. Theo Hội đồng Anh, quyết định này nằm “ngoài tầm kiểm soát”.
“Thời điểm các kỳ thi được tổ chức trở lại sẽ phụ thuộc vào phê duyệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo và chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với Bộ để có được các phê duyệt cần thiết trong thời gian sớm nhất có thể”, thông báo viết, cho biết tất cả thí sinh bị ảnh hưởng sẽ được đổi ngày thi miễn phí.
Theo ghi nhận của VnExpress, Trung tâm ngoại ngữ và tin học (Sở Giáo dục – Đào tạo TP HCM) dừng tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ từ 10/9 cho đến khi có thông báo mới. Trung tâm này là đối tác tổ chức các kỳ thi lấy chứng chỉ của Đại học Cambridge như YLE (Starters, Movers, Flyers), PET, KET, FCE, TKT (dạy tiếng Anh); ngoài ra còn có chứng chỉ PTE và TOELF (Junior, Primary, ITP).
Không chỉ các kỳ thi tiếng Anh, kỳ thi năng lực Hán ngữ (HSK, HSKK), tiếng Hàn (TOPIK) và tiếng Nhật (NAT-Test) cũng phải tạm hoãn.
Hôm 15/9, điểm thi năng lực Hán ngữ quốc tế tại Viện Khổng Tử, Đại học Hà Nội đăng thông báo trên fanpage về việc dừng thi chứng chỉ HSK và HSKK đợt thi ngày 16/10 và 19/11 cho đến khi có thông báo mới.
Công ty HQ, đơn vị được uỷ quyền tổ chức thi NAT- TEST (kỳ thi năng lực tiếng Nhật cho người nước ngoài) cơ sở 1 tại Hà Nội, hôm 21/10 cũng thông báo hủy kỳ thi ngày 23/10 tại Đại học Giao thông Vận tải, các thí sinh đã đăng ký sẽ được hoàn lệ phí.
Một chuyên gia tiếng Hàn Quốc chia sẻ các kỳ thi năng lực tiếng Hàn (TOPIK) tại Hà Nội cũng đang tạm dừng.
Nhiều đơn vị tổ chức thi lý giải việc tạm dừng các kỳ thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nhằm hoàn thiện các thủ tục theo Thông tư 11 năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hôm 26/7 về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài. Theo Thông tư này, các tổ chức, cá nhân chỉ được tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài khi có quyết định phê duyệt, quyết định gia hạn liên kết tổ chức thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo hôm 8/11 gửi công văn yêu cầu các Sở tăng cường quản lý liên kết, tổ chức cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài. Bộ nhận định thời gian qua, hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam chưa được quản lý chặt chẽ, tiềm ẩn những nguy cơ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dự thi.
Theo các chuyên gia, việc tạm dừng tổ chức các kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế ảnh hưởng mạnh nhất đến người có ý định du học và học sinh lớp 12 dùng chứng chỉ này để xét tuyển đại học. Kế đến là sinh viên cần chứng chỉ để xét chuẩn đầu ra tốt nghiệp và người đi làm.
Nguyễn Minh Oanh, quản lý một trung tâm dạy tiếng Anh ở Mỹ Đình, Hà Nội, cho biết các đợt nộp hồ sơ của đại học ở Mỹ và châu Âu khá sát nhau, gần nhất là đợt tháng 1 tới tháng 3 năm 2023. Ngoài ra, học sinh lớp 12 cũng có tâm lý muốn thi IELTS trước Tết để sau đó tập trung ôn luyện cho thi tốt nghiệp, thi đánh giá năng lực xét tuyển vào đại học. Do đó, việc hoãn thi ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch ôn tập cũng như tâm lý của người học. Số người học ở trung tâm đăng ký thi IELTS trước Tết mà Oanh biết là hơn 100 người.
Một điểm thi HSK và HSKK ở Hà Nội nói mỗi năm đơn vị này tổ chức khoảng 11 đợt thi. Mỗi đợt, số thí sinh đăng ký dự thi đông nhất là 1.500, ít nhất trên 1.000 em. Từ giờ tới cuối năm, đơn vị còn hai đợt thi nữa. “Chúng tôi chưa có phương án khác ngoài việc chờ được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép tổ chức thi. Đây là tình hình chung”, vị này nói.
Vài năm gần đây, nhiều đại học Việt Nam có phương án tuyển sinh bằng điểm IELTS và một số chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác kết hợp với học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT. Các chứng chỉ này cũng được sử dụng rộng rãi để công nhận chuẩn đầu ra ngoại ngữ với sinh viên. IELTS và nhiều chứng chỉ tiếng Anh quốc tế khác còn được dùng để cộng điểm ưu tiên hoặc tuyển thẳng vào lớp 10 ở Nghệ An, Quảng Trị.
Tại các địa phương, Vĩnh Phúc khen thưởng mỗi cán bộ, công chức, viên chức có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế 30-40 triệu đồng, yêu cầu tiếng Anh 6.0 IELTS hoặc tương đương, tiếng Trung từ HSK 5, tiếng Hàn từ TOPIK II level 4, tiếng Nhật từ N2 trở lên. Trong khi đó, Thái Nguyên hỗ trợ lệ phí thi 50-100% cho học sinh phổ thông có chứng chỉ IELTS đạt từ 4.0 – 6.0.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ có thông báo về vấn đề này trong hôm nay.
(Nguồn VNexpress: Bài viết gốc)